Ảnh phong cảnh có thể được cho là ảnh chân dung của một địa điểm nào đó. Cũng như với ảnh chân dung chụp người, nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh cố nắm bắt và truyền tải phần tinh tế nhất và “cảm xúc” nhất của chủ thể qua các bức ảnh hay miêu tả một cách trừu tượng để có thể gợi lên các suy nghĩ và cảm xúc khác nhau của người xem.

Ảnh phong cảnh cũng là một thể loại thường được chụp bởi các nhiếp ảnh gia hay đi nhiều nơi. Mặc dù có thể xem là một thể loại ảnh dễ chụp so với các thể loại ảnh khác nhưng bạn cũng nên lưu ý một số điều để có thể chụp phong cảnh tốt hơn.



Những lời khuyên

1. Chụp toàn cảnh (Panorama)

Ảnh chụp toàn cảnh rất rộng và thường được kết hợp bằng cách chồng các bức ảnh chụp từng đoạn liền nhau của một cảnh. Điều này có thể được thực hiện dễ dàng bằng cách nối các bức ảnh lại với nhau bằng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh để tạo nên một bức ảnh toàn cảnh. Tuy nhiên, bạn cần chú ý một số nguyên tắc khi chụp từng phần của cảnh để nối lại thành một bức ảnh toàn cảnh. Thứ nhất, máy ảnh phải chụp ở cùng một độ cao. Khi chuẩn bị máy để chụp bức ảnh tiếp theo trong loạt ảnh, hãy bảo đảm nó duy trì cùng độ cao như lần chụp trước để loạt ảnh chụp không bị dốc. Tiếp theo, hãy bảo đảm một phần nhỏ trong bức ảnh mới trùng với bức ảnh cũ để có đủ chi tiết giúp phần mềm nhận biết nơi chồng các bức ảnh lên nhau.

Cuối cùng, người chụp không được thay đổi độ dài tiêu cự ống kính (ví dụ là phóng to hay thu nhỏ) trong suốt quá trình chụp một loạt ảnh. Các bức ảnh sẽ tạo thành một bức toàn cảnh tốt nhất nên được chụp khi có giá đỡ máy ảnh bởi nó giúp người chụp thay đổi khung ảnh mà không sợ làm thay đổi độ cao của máy khi chụp.



2. Sử dụng chế độ đo sáng đa phần Multisegment metering

Với những cảnh có độ tương phản của chủ thể ngang bằng với các phần còn lại, thì tốt nhất nên chụp với chế độ đo sáng đa phần để đo sáng tất cả các phần trên khung ảnh rồi quyết định độ sáng thích hợp. Bạn cũng có thể chuyển đổi qua lại các chế độ đo sáng khi cần hay chụp cùng lúc một loạt ảnh với các chế độ đo sáng khác nhau.

3. Những kính lọc dễ sử dụng

Các bộ lọc có thể giảm bớt ánh sáng chói và các màu bị tối. Các bộ lọc cũng là những thiết bị vô giá cho các nhà chụp ảnh phong cảnh chuyên nghiệp bởi chúng có thể thay đổi một cách đầy ấn tượng cái nhìn cho một phong cảnh.

Ví dụ, công dụng của kính lọc trung tính (neutral density filter) là cho phép người chụp dùng tốc độ màn trập chậm hơn để những chuyển động trong cảnh – như dòng thác chẳng hạn được ghi nhận thành một dòng chảy mịn đầy nghệ thuật.

Một kính lọc dễ sử dụng khác là kính lọc phân cực (polarizing) làm bão hòa màu sắc cho cảnh. Kính lọc này có thể làm những cảnh nhạt nhẽo trông đầy sức sống hơn. Bạn
hãy học cách sử dụng hợp lý những kính lọc này và bạn sẽ có được những bức ảnh phong cảnh đẹp hơn rất nhiều.

4. Tưởng tượng các mặt phẳng nét

Ảnh phong cảnh luôn có DOF lớn vì vậy người chụp phải tưởng tượng về các yếu tố trong những mặt phẳng nét khác nhau để tổng hợp nên một bức ảnh hấp dẫn. Tuy nhiên, một chủ thể chính (hay vài chủ thể) nên được chọn cho một mặt phẳng và các yếu tố trong những mặt phẳng còn lại sẽ hỗ trợ cho chủ thể chính. Một số phong cảnh, đặc biệt là những cảnh tẻ nhạt có thể được cải thiện bằng các yếu tố tiền cảnh được bổ sung thêm để tăng chiều sâu cho cảnh cũng như thu hút sự chú ý cho ảnh được chụp. Tuy nhiên, các yếu tố bổ sung đó phải bổ sung được cho cảnh, không nghịch với phong thái tổng thể của bức ảnh.

5. Làm chủ DOF và khoảng vượt tiêu cự (Hyperfocal Distance)

Khả năng kiểm soát DOF sẽ phân định đẳng cấp của các nhiếp ảnh gia phong cảnh. Một DOF tốt rất cần thiết nếu bạn muốn phóng to bức ảnh phong cảnh của mình, bởi khi đó bất kỳ vùng ảnh mờ nào cũng sẽ được nhận ra một cách dễ dàng. Bạn có thể áp dụng kỹ thuật khoảng vượt tiêu cự để bảo đảm mọi thứ nằm từ điểm xa nhất đến điểm giữa khoảng vượt tiêu cự sẽ nằm trong DOF của ảnh. Một quy tắc chung là hãy lấy nét ở khoảng 1/3 độ sâu của cảnh. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng xem trước DOF thì bạn hãy sử dụng nó để kiểm tra và xem bạn đa hài lòng với những gì đang thấy trước khi chụp chưa. Bạn có thể xem lại định nghĩa về DOF cũng như kỹ thuật lấy nét tại khoảng vượt tiêu cự ở các chương trước.



6. Ghi nhớ việc sắp đặt đường chân trời và quy tắc 1/3

Hầu hết các ảnh phong cảnh đều có đường chân trời. Như một nguyên tắc chung, bạn đừng đặt đường chân trời ngang giữa bức ảnh mà hãy áp dụng quy tắc 1/3 đã được khuyến khích áp dụng trong chương “Sắp Đặt Vị Trí Chủ Thể” đa được trình bày. Để tạo nên một bức ảnh phong cảnh có đường chân trời nằm ngang hoàn hảo, người chụp có thể sử dụng thiết bị thước thủy để canh máy ảnh nằm thẳng (song song)
hoàn hảo với đường chân trời trước khi chụp. Tuy nhiên, một số nhiếp ảnh gia cố ý nghiêng máy ảnh để tạo nên một bức ảnh phong cảnh có nghệ thuật phối cảnh thú
vị hơn.



7. Thời gian trong ngày và các mùa

Bạn hãy tránh chụp ảnh phong cảnh vào lúc giữa trưa khi mặt trời chiếu thẳng xuống bởi nguồn ánh sáng quá mạnh như thế sẽ tạo nên những cái bóng tương phản mạnh và những màu sắc nhạt nhẽo. Chụp ảnh phong cảnh vào buổi chiều tối và buổi sáng sẽ tốt hơn. Nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng khoảng thời gian trước khi mặt trời lặn và vừa sau khi mặt trời mọc sẽ là lúc chụp được những bức ảnh đẹp nhất bởi khi đó bầu trời nhiều màu sắc nhất trong ngày. Vấn đề là một cảnh sẽ trông rất khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày cho nên tốt nhất, người chụp nên quay lại quan sát cảnh nhiều lần trong ngày để quyết định thời gian chụp ưa thích nhất. Ở những nước ôn đới, phong cảnh sẽ thay đổi mạnh qua các mùa trong năm.



Các loại ống kính được khuyên sử dụng

Bởi, luôn muốn gom hết cảnh mà vẫn giữ độ nét cho mọi thành phần nên người chụp cố đạt được DOF càng cao càng tốt. Các ống kính góc rộng được ưa chuộng khi chụp những bức ảnh phong cảnh truyền thống bởi chúng có độ dài tiêu cự ngắn có thể phủ một góc nhìn rộng và đạt được DOF cao. Ống kính góc rộng thường được chụp với khẩu độ rất nhỏ để tăng cao tối đa DOF.

Ống kính
góc hẹp (telephoto) cũng hữu dụng khi giúp người chụp phóng to chủ thể trong một cảnh và bức ảnh như thế cũng được xếp vào thể loại phong cảnh. Mặc dù độ mở ống kính hẹp thường được dùng khi chụp phong cảnh nhưng cũng cần có tốc độ màn trập chậm hơn để đạt được độ phơi sáng như khi sử dụng khẩu độ rộng. Vì vậy, để tránh độ rung của máy khiến ảnh bị nhòe trong suốt thời gian phơi sáng dài hơn thì một giá đỡ máy ảnh hay một máy ảnh có kỹ thuật chống rung thân máy nên được sử dụng khi chụp phong cảnh.