Begin typing your search above and press return to search. Press Esc to cancel.

CẨM NANG BỎ TÚI CHO MỘT THIẾT KẾ NAMECARD HOÀN HẢO

CẨM NANG BỎ TÚI CHO MỘT THIẾT KẾ NAMECARD HOÀN HẢO Bạn có biết:  Trong số 27.397.260 namecard ra đời hàng ngày, 88% sẽ bị vứt...

TỈ LỆ VÀNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG THIẾT KẾ ĐỒ HỌA


TỈ LỆ VÀNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG THIẾT KẾ ĐỒ HỌA

Đóng vai trò quan trọng tạo nên tính cân bằng và hài hòa trong các tác phẩm thiết kế, tỉ lệ vàng là khái niệm đươc rất nhiều designer rất quan tâm và tìm hiểu. Nhưng thật sự nó có ý nghĩa gì và ảnh hưởng thế nào đến thiết kế của bạn? Và bạn có thực sự cần phải quan tâm đến nó? Hôm nay, SDmedia sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm này và cách ứng dụng tỉ lệ vàng một cách tốt nhất vào thiết kế. 



Tỉ lệ vàng - TLV (The Golden Ratio) là một tỉ lệ trong toán học, hiện diện rất nhiều trong tự nhiên; giúp mang đến sự hài hòa, tạo cảm giác dễ chịu hơn cho thiết kế của bạn (có thể gọi là “Sự hài lòng thị giác”). Tỉ lệ vàng còn có tên gọi là "Giá trị vàng trung hòa - The Golden Mean", "Lát cắt vàng - The Golden Section" hoặc được ký hiệu bằng ký tự La Mã – Phi (φ). 

Cụ thể hơn, Tỉ lệ vàng là gì? 
Fibonacci (1170-1240), tên đầy đủ là Leonardo Pisano – nhà toán học tài ba nhất thời kỳ Trung cổ đã mô tả TLV như là một phương trình thể hiện mối quan hệ giữa 2 phần trong một thiết kế. Dãy số Fibonacci (mà ta đã được học trong toán học, hoặc từng biết qua trong nội dung quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Mật mã Da Vinci" của Dan Brown) là dãy số bắt đầu bởi số 0 và số 1, các số sau mỗi số bằng tổng của 2 số liền trước nó. 

Các số đầu tiên của dãy Fibonacci là: 
 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610, 987, … 
Nếu chúng ta lấy tỉ số của 2 số liên tiếp trong dãy Fibonacci thì sẽ được dãy số: 
1/1=1     2/1=2     3/2=1,5     5/3=1,666     8/5=1,6     13/8=1,625     21/13=1,61538 

Tỉ số này sẽ tiến dần đến giá trị thần thánh φ = 1.618, cũng chính là TLV. Sự độc đáo của một thiết kế ứng dụng TLV ở chỗ sự tương quan giữa thành-phần-nhỏ đối với thành-phần-lớn cũng bằng sự tương quan giữa thành-phần-lớn với thành-phần-tổng-cộng, lớn – nhỏ - toàn thể chỉ có 1 giá trị tương quan duy nhất, con số vàng = 1.618. 

Tỉ lệ 1:1.61 của TLV là tỉ lệ cân đối nhất, có thể được diễn tả qua hình chữ nhật vàng – một hình chữ nhật lớn chứa một hình vuông (có cạnh bằng chiều rộng của hình chữ nhật lớn) và một hình chữ nhật nhỏ nằm trong. 



Các cạnh của hình chữ nhật vàng là tuân theo TLV. Nếu bỏ hình vuông ra khỏi hình chữ nhật lớn, ta sẽ được một hình chữ nhật vàng khác, nhỏ hơn. Việc này sẽ tiếp nối mãi mãi, tương tự như chuỗi số nguyên Fibonacci – nhưng với quy tắc ngược lại (tiếp tục thêm một hình vuông có cạnh bằng chiều rộng của hình chữ nhật để tiến gần hơn đến hình chữ nhật vàng và TLV). 


 Và nếu ta vẽ một đường xoắn ốc dựa trên các hình chữ nhật đã chia, ta sẽ có được hướng dẫn làm thế nào để có được một bố cục tuyệt vời.


Vậy thì con số này có điều gì kỳ diệu? Một số người tin rằng đây là tỉ lệ thần thánh của tạo hóa, là quy luật nhào nặn ra vạn vật từ bàn tay của Chúa. TLV mang đến sự cân bằng, hài hòa và vẻ đẹp tự nhiên. Có lẽ vì thế, không có gì quá ngạc nhiên khi TLV đã được ứng dụng vào hội họa và thiết kế ít nhất từ 4000 năm trước (thực tế có thể còn lâu hơn khi một số nghiên cứu cho rằng người Ai Cập cổ đại cũng đã sử dụng TLV khi xây dựng các kim tự tháp của họ) 

Đền Parthenon 

Mối quan hệ giữa chiều rộng, chiều cao, kích thước hàng hiên hay ngay cả cấu trúc vị trí các cột của công trình kiến trúc Hy Lạp cổ này đều hoàn toàn đúng theo các tỉ lệ. Ký tự φ của TLV cũng nhằm tưởng nhớ đến Phidias, nhà điêu khắc đền Parthenon. 

"The Last Supper - Bữa tiệc cuối cùng" của Leonardo da Vinci 


Cũng như các họa sỹ khác trong nhiều thời đại, Leonardo da Vinci cũng tận dụng tối đa TLV trong những tác phẩm của mình. Cụ thể, trong bức "Bữa tiệc cuối cùng", các nhân vật đều được sắp xếp ở 2/3 phía dưới khung tranh  và vị trí của Chúa Jesus được xác định bằng cách thiết lập những hình chữ nhật vàng trên khung tranh. 

Cách vẽ 1 hình chữ nhật có tỉ lệ vàng 
Vẽ một hình chữ nhật vàng là không khó – chúng ta chỉ cần bắt đầu từ một hình vuông cơ bản. Sau đây là từng bước cụ thể: 

01. Vẽ hình vuông:  điều này giúp ta xác định chiều rộng hình chữ nhật vàng.
02: Chia đôi hình vuông: bằng một đường dọc, ta được 2 hình chữ nhật nhỏ. 
03. Vẽ một đường chéo:  Tại một hình chữ nhật, vẽ đường nối liền 2 góc đối diện 

04. Xoay: đường chéo này sao cho theo chiều ngang nó thẳng hàng với cạnh đáy hình chữ nhật còn lại.

05. Vẽ hình chữ nhật mới: với chiều rộng là cạnh hình vuông ban đầu, chiều dài là đường chéo tạo được lúc nãy. 
Thiên nhiên 

Có rất nhiều ví dụ của TLV trong thiên nhiên – bạn có thể thấy chúng ở khắp mọi nơi. Hoa, vỏ sò, quả dứa (thơm), ngay cả loài ong cũng tuân thủ quy tắc TLV trong khi xây dựng tổ của chúng. Do đó, việc chúng ta ứng dụng TLV trong tác phẩm thiết kế của mình là hoàn toàn phù hợp và đi theo quy luật tự nhiên. 

Đưa Tỉ lệ vàng vào thiết kế của bạn 
Là bí mật của vẻ đẹp nhưng TLV không phải quá cao siêu. Bạn có thể ứng dụng một cách dễ dàng vào layout thiết kế nếu biết một vài mẹo nhỏ, hoặc bạn cũng có thể lập kế hoạch, phác thảo rõ ràng hơn từ đầu để có thể tận dụng tối đa khái niệm TLV vào tác phẩm. 

Mẹo ứng dụng nhanh 
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến quy tắc “Một phần ba” (đường mạnh điểm mạnh). Layout sẽ được chia làm 9 phần bằng nhau, được tạo bởi 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang, tạo nên 4 giao điểm/điểm mạnh. Các chủ thể chính và các thành phần cần nhấn nằm trên 4 điểm mạnh & theo đường kẻ sẽ hiệu quả hơn về thẩm mỹ sáng tác do mắt người có xu hướng tập trung vào các điểm nhấn này. 

Quy tắc này thường xuyên được ứng dụng trong nhiếp ảnh, layout dàn trang, mockup cho website, và cả trong thiết kế poster. 
Ngoài ra, quy tắc này còn phù hợp với nhiều định dạng khung hình (hình vuông, toàn cảnh) chứ không chỉ riêng trên hình chữ nhật. Tuy nhiên, nếu áp dụng trên một hình chữ nhật với tỉ lệ cạnh xấp xỉ là 1:1.6, bạn sẽ có được một tổ hợp các hình chữ nhật vàng. Bố cục đạt được trong trường hợp này sẽ rất hài hòa và đẹp mắt hơn. 

Ứng dụng triệt để 
Rất đơn giản để làm điều này, nhất là trong thiết kế website: hãy giữ tỉ lệ giữa phần nội dung và sidebar luôn ở 1:1.61. Có thể làm tăng hoặc giảm tỉ lệ này một chút để làm tròn đơn vị. Ví dụ, nếu phần nội dung là 640px, sidebar là 400px thì vẫn không sao cả, dù tỉ lệ giữa chúng chỉ là 1.6. 

Bạn có thể tham khảo thêm trang web của Twitter để hiểu rõ hơn về cách ứng dụng này. Giám đốc sáng tạo của Twitter – Doug Bowman đã giải thích cách mà Twitter sử dụng TLV trong bản redesign (2010) của mình qua 1 hình ảnh được đăng trên trang Flick, với dòng mô tả “Cho bất cứ ai tò mò về tỉ lệ của #NewTwitter, để biết rằng chúng tôi đã không hề bỏ qua các tỉ lệ nào”. 

Các công cụ hỗ trợ đi tìm Tỉ lệ vàng trong thiết kế 
Sau khi tìm hiểu TLV, ngoài việc có thể áp dụng khá đơn giản với lưới hình vuông hoặc hình xoắn ốc, các công cụ hữu ích khác sau đây cũng có thể giúp các bạn tối ưu hóa thiết kế bằng cách nhập các kích thước bạn muốn:
GoldenRATIO
Golden Ratio Typography Calculator
Phicalculator 
Atrise Golden Section
Ngoài ra,  Adobe Exchange cũng cung cấp một template miễn phí mà có thể xem như "Bản hướng dẫn ứng dụng TLV vào thiết kế logo" với tên gọi Golden Spiral.Bạn có thể download từ Adobe Illustrator.

Chia sẻ từ SDmedia: 
Được xem là “cây đũa thần” của thiết kế, TLV mang đến những hiệu quả không thể bàn cãi và cũng quan trọng như các định luật khác (như định luật ngón tay cái, định luật 1/3). Nhưng một nhà thiết kế giỏi sẽ không bị giới hạn gò bó bởi một quy luật cụ thể nào. Có vô vàn tác phẩm sáng tạo đẹp và độc đáo mà người thiết kế chẳng cần quan tâm đến TLV. 

TLV quan trọng vì nó là công cụ hỗ trợ thiết kế chứ không phải là chân lý để đánh giá vẻ đẹp của một tác phẩm. Vì vậy, bạn cần hiểu TLV nhưng không nhất thiết phải luôn tuân theo nó. Sáng tạo bắt đầu bằng việc xây dựng ý tưởng, sau đó mới nghĩ đến việc làm sao để phù hợp với các quy tắc thiết kế. Và hơn hết, sáng tạo chính là cốt lõi của thiết kế nên hãy tin tưởng vào chính mình vì có thể ý tưởng của bạn sẽ phá vỡ mọi quy tắc đấy! 


(Theo creativebloq.com)