Begin typing your search above and press return to search. Press Esc to cancel.

CẨM NANG BỎ TÚI CHO MỘT THIẾT KẾ NAMECARD HOÀN HẢO

CẨM NANG BỎ TÚI CHO MỘT THIẾT KẾ NAMECARD HOÀN HẢO Bạn có biết:  Trong số 27.397.260 namecard ra đời hàng ngày, 88% sẽ bị vứt...

31 BÍ QUYẾT SÁNG TẠO VỚI LOGO GỒM 2 CHỮ CÁI



31 BÍ QUYẾT SÁNG TẠO VỚI LOGO GỒM 2 CHỮ CÁI


Chữ cái là những yếu tố rất kỳ lạ khi là nền tảng chính cho hệ thống giao tiếp văn bản giữa chúng ta, nhưng khi nhìn kỹ lại thì chúng chỉ là những hình ảnh. 

Chữ cái có thể truyền tải một thông điệp trực tiếp đến người đọc, đồng thời cũng là những yếu tố thị giác có thể thay đổi màu sắc, hình dáng và đặc tính. Vì vậy khi cần tìm cho thương hiệu 1 hình ảnh đại diện – logo, người ta thường chọn hình thức logo chữ bởi chỉ một vài chữ cái có thể bao hàm rất nhiều ý nghĩa. 

Tuy là lựa chọn phổ biến nhưng việc thiết kế một logo chữ hiệu quả thì không dễ, vì nếu quá thiên về hình ảnh sẽ mất đi tính giao tiếp; còn nếu quá đơn giản và truyền thống sẽ không ấn tượng với khách hàng. Chẳng những vậy, với chỉ 1 chữ cái chúng ta có thể thoải mái sáng tạo và biến hóa, vậy còn nhiều hơn nữa thì sao? Làm sao cho chúng kết nối nhau, ví dụ như là với 2 chữ cái? 


Nếu đang băn khoăn tìm kiếm hướng đi cho logo của mình, hoặc yêu thích việc sáng tạo thương hiệu, hãy cùng chúng tôi xem thử qua một số bí quyết thiết kế logo với 2 chữ cái sau đây. 

Ghép chung các nét dọc 
Đây có thể được xem là cách đơn giản nhất và thường được áp dụng. Để sáng tạo thêm bạn có thể chọn 2 màu sắc chữ khác nhau, hoặc chỉ đơn sắc theo xu hướng tối giản. 


Hai chữ đều in hoa 
Được liên tưởng từ tên viết tắt của công ty. Khi mà gần phân nửa số chữ trong bảng chữ cái có các nét dọc ở bên trái hoặc bên phải thì đây được xem là phương án được xem xét đầu tiên. 

Hai chữ đều viết thường 
Nếu không thể tìm ra đường thẳng chung giữa hai chữ in hoa, hãy thử “giảm cấp” và cho chúng thành chữ viết thường xem sao nhé. Logo sử dụng chữ viết thường cũng ấn tượng độc đáo mà vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, góp phần giảm bớt tính “nghiêm trọng” của logo chữ in hoa. 

1 in hoa – 1 viết thường 
Phương án này có thể không đúng ngữ pháp cho lắm, nhưng đi ngược lại với quy tắc một chút để đạt được “mục đích” thì đây là sự lựa chọn không tồi. 

Hòa trộn các nét thẳng và nét xiên 
Trong kỹ thuật này, bạn cần khéo léo lược bớt một vài đặc tính cá nhân của mỗi chữ cái để giúp chúng hòa hợp hơn với nhau.“Khéo léo” ở đây có nghĩa là thay đổi nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra các chữ cái – đừng biến chúng thành những con người hoàn toàn xa lạ nhé! 

Khi làm việc với những chữ cái có nét xiên, cắt đôi để dễ kết nối chúng với chữ cái khác hơn. Người nhìn sẽ tự “điền vào chỗ trống” và nhận ra chúng. Hơn nữa, bạn cũng tạo ra một cái nhìn tối giản cho logo đấy. 
Hòa trộn các đường thẳng và đường cong 
Những chữ cái tròn vo như chữ O sẽ gây khó khăn cho chúng ta nhưng vẫn có phương án giải quyết khi mà ta có thể cắt bớt phần nét tròn của chúng, hoặc “bẻ cong” nét dọc của chữ còn lại để khi ghép vào vẫn là một sự hài hòa. 



Dùng chung các nét ngang 
Nét thẳng nằm ngang nối 2 đường kẻ trong các chữ cái hoa “A” và “H” được gọi là crossbar. 

Nét ngang ở trên 
Sử dụng đường crossbar nằm trên đầu chữ làm sự kết nối. Trong vài trường hợp, các font chữ serif (có chân) sẽ dễ liên kết hơn là sans serif (không chân) vì font không chân tạo cho người xem một cảm giác không rõ ràng – liệu tổ hợp đó một chữ cái hay là hai chữ cái được kết nối với nhau? 

Nét ngang ở giữa 
Trường hợp này khó hơn vì chỉ áp dụng được với chữ cái có crossbar nối 2 đường kẻ. Khi sử dụng, nên làm nổi bật crossbar chung bằng màu sắc đặc biệt, hoặc nổi lên trên lớp nền. Vẫn phải đảm bảo logo vẫn có thể đọc được từng chữ cái – crossbar chỉ có chức năng kết nối chứ không biến chúng thành một “sản phẩm” khác. 

Nét ngang phía dưới 
Trường hợp này không nhiều, do rất ít chữ cái có đường ngang nằm phía dưới. Tuy nhiên, nếu dùng font chữ có chân, bạn có thể kéo dài phần “chân” này ra để tạo thành 1 crossbar. Tất nhiên, các chữ cái vẫn luôn phải phân biệt được với nhau. 

Đường ngang không đồng cấp 
Các chữ cái không nhất thiết phải đặt thẳng hàng – bạn có thể dịch chuyển một trong hai chữ lên trên hoặc xuống dưới để tìm được nét crossbar chung giữa chúng. (Kỹ thuật này thường áp dụng với logo các đội thể thao hoặc trường đại học ở Mỹ). 

“Biến tấu” đường cong 
Các chữ cái là một đường cong sẽ khiến bạn đau đầu khi muốn liên kết chúng với các chữ cái “thẳng băng”. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần biến tấu đường cong đó một tí nhưng cẩn thận phần chọn để “làm thẳng”. Ví dụ, có thể làm thẳng phần trên và dưới của chữ C nhưng không được làm thẳng phần dưới chữ G do điều này sẽ làm cho chữ G không nhận diện được. 

Xóa và cắt 
Thỉnh thoảng, khi cần tạo sự kết nối chúng ta không nhất thiết phải thêm thắt vào, mà cũng có thể xóa hoặc cắt bớt đi như một số kỹ thuật sau đây: 

Xóa nét 
Một lần nữa, vẫn phải đảm bảo “khả năng nhận diện” sau khi bạn xóa bớt nét trong các chữ cái. Và sẽ dễ dàng hơn khi bạn chọn loại font có đường ngang mỏng, bởi vì các chữ cái sẽ trông rất kỳ cục nếu bị mất đi một nét dày. 

Xóa một phần nhỏ 
Nếu cảm thấy giải pháp trên làm chữ trở nên khó nhận diện, thì thay vì xóa toàn bộ nét hãy chỉ xóa một phần nhỏ của nó. 

Cắt nét của cả hai chữ cái 
Đôi khi người nhìn sẽ dễ đoán hơn nếu bạn cắt nét của cả hai chữ cái cùng một lúc thay vì chỉ một. Điều này tạo nên sự cân bằng cho cả “cặp đôi”. 





Sử dụng không gian âm (negative space) 
Khi khoảng âm được áp dụng một cách thông minh (ví dụ như bao hàm một hình ảnh ẩn dụ), người xem sẽ phải nhìn kỹ lại logo nhằm hiểu chúng rõ hơn. 


Thêm khoảng âm 
Hãy thử tạo một chữ cái (hoặc toàn bộ chữ cái, nếu bạn có thể) bằng cách thêm khoảng âm vào một hình khối. Kỹ thuật này thậm chí còn cho phép bạn tạo ẩn một chữ cái bằng cách thêm khoảng âm vào một chữ cái khác. 

Tận dụng khoảng âm có sẵn 
Đối với những chữ cái có nhiều khoảng trống bên trong (như O, D), bạn có thể biến khoảng trắng đó thành một chữ cái khác. Bạn cần thử nhiều giải pháp cho đến khi tìm được phương án cuối cùng. Cần đảm bảo khoảng âm đủ rộng để chiếm hết khoảng trống của chữ. Ví dụ, nếu không lấp đầy khoảng trống của chữ O, chữ cái này sẽ nhìn trống như một hình tròn. 

Một đường nối liền 
Nếu không thành công khi đặt một chữ cái kế bên một chữ khác, hãy thử xóa nhòa mọi ranh giới giữa chúng bằng cách tạo ra một đường nối liền mạch, bắt đầu từ chữ cái này và kết thúc ở chữ cái còn lại. Kỹ thuật này giúp tạo một mối liên kết về thị giác giữa các chữ ngay cả khi chúng không đứng gần nhau. 


Tạo cầu nối 
Nếu các chữ cái không hề có điểm nào kết nối với nhau, hãy tự mình tạo cầu nối cho chúng bằng cách thêm các hình vẽ, mũi tên hay đường cong. Bạn có thể thử mọi cách kết nối, miễn là các kết nối này không che mất các chữ và khiến người ta không đọc được chúng. 

Thêm hình ảnh hoặc các yếu tố bổ sung 
Thêm một vài yếu tố đằng sau hoặc ở giữa các chữ là một cách hay để liên kết chúng một cách đơn giản nhất. Đừng quá tay! Chỉ một vài chi tiết kết nối đơn giản là đủ cho một logo đẹp. 

Đường cong uốn lượn 
Sử dụng font lả lướt giúp liên kết các chữ khá là dễ dàng. Tuy nhiên, ngay cả khi font chữ bạn đang dùng hơi cứng, bạn vẫn có thể làm được việc này mà không làm mất đi tính tự nhiên của font chữ đó. 1 số trường hợp khi các đường cong có thể không phù hợp với thương hiệu, hãy thử gia giảm liều lượng giữa chữ nét cứng và chữ nét mềm như trường hợp của Pinterest . 


Những chữ cái có nét giống nhau 
Nếu may mắn, bạn sẽ gặp những chữ cái có nét tương đồng với nhau, và khi đó rất dễ để khai thác các điểm giống nhau này. 

Chữ cái có các đường nét giống nhau 
Một số cặp chữ cái vốn là anh em cùng cha khác mẹ, như “V”-“W, hoặc “M”-“N”, … Việc cần làm là tìm hiểu và phát hiện ra sự giống nhau này, vì không phải lúc nào chúng cũng dễ thấy. Như “HN” không có gì giống nhau, nhưng “hn” lại gần gũi hơn nhiều, vì vậy kỹ thuật này được ứng dụng tùy theo loại font bạn chọn.

Những chữ cái đối xứng 
Bạn có nhận ra những cặp chữ cái là đối xứng của nhau như “d” - “b” (đối xứng theo chiều dọc), và “M” - “W” (đối xứng theo chiều ngang). Nếu gặp trường hợp này, không cần phải làm gì thêm ngoài việc liên kết và làm nổi bật sự đối xứng giữa chúng bằng loại font phù hợp. Thậm chí, bạn có thể áp dụng kỹ thuật này với những cặp đối xứng không hoàn toàn như “d’ và “p”. 

Xoay chữ 
Nếu đã thử mọi cách trên mà vẫn bí, hãy thử xoay một chữ cái xem sao! 


Xoay để gặp nhau 
Hãy thử xoay một hay vài chữ cái đến khi chúng tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên đừng xoay quá đà, sẽ tạo cảm giác không tự nhiên. 


Lật ngược 
Thỉnh thoảng, kỹ thuật lật ngược sẽ hiệu quả - tuy nhiên, đừng áp dụng kỹ thuật này cho một số chữ cái; ví dụ, chữ W khi lật ngược sẽ thành chữ M, hoặc chữ S lật ngược cũng không thay đổi mấy. 




Sử dụng biểu tượng 
Biểu tượng là một cách tốt để người xem kết nối giữa logo chữ của bạn và loại hình kinh doanh của thương hiệu. Biểu tượng có thể liên quan đến ngành nghề hoặc mang tính đại diện cho tính cách của thương hiệu. 


Thay chữ cái bằng biểu tượng 
Từ rất lâu, chúng ta đã dùng biểu tượng trái tim để thay thế cho chữ O, hoặc dấu chấm trong chữ i. Tùy vào thương hiệu mà bạn có thể chọn một vài chữ cái để thay thế bởi biểu tượng. Điều quan trọng là, thành phẩm cần phải đọc được, do đó nên chọn một biểu tượng có hình dáng tương đồng với chữ cái để người nhìn dễ dàng nhận ra thông điệp từ bạn. 


Thêm biểu tượng vào khoảng âm 
Nếu muốn thêm vào một biểu tượng không giống với bất kỳ chữ cái nào mà bạn cần sử dụng thì có thể tham khảo kỹ thuật thêm vào khoảng âm. Phương pháp này mang lại nhiều không gian sáng tạo cho bạn hơn, bởi nó cho phép tận dụng khoảng âm cho một mục đích cụ thể. Ví dụ, khoảng âm phía dưới của chữ “a” có thể được biến tấu thành biểu tượng trái tim để mang lại một vài tính cách mong muốn. 


Một số kỹ thuật khác 
Vẫn chưa hài lòng với các kỹ thuật trên? Hãy thử các cách sáng tạo hơn sau đây:


Chữ lồng trong chữ 
Tùy vào hình dáng và kích thước của chữ, bạn có thể cho chữ này ôm trọn chữ kia như búp bê của Nga. Vì chữ cái ở ngoài tất nhiên sẽ lớn chữ cái nằm trong, nên kỹ thuật này phù hợp nhất khi dùng một đường thẳng mỏng bởi, vì một đường thẳng mỏng sẽ không tạo ra sự chênh lệch quá lớn về kích thước giữa 2 chữ cái. 

Vừa chạm vào nhau 
Trong thiết kế logo chữ, các chữ cái càng có nhiều điểm tiếp xúc sẽ càng hiệu quả do làm tăng độ mạnh kết nối, tạo cảm giác vững chắc, mạch lạc. Tuy nhiên, thường thì quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, nên cũng không sao cả nếu các chữ cái chỉ vừa chạm nhau (như ”K” và “X” có nét xiên rộng sẽ phù hợp hơn với tiếp xúc chỉ chạm ở các đỉnh) 

Lồng ghép vào nhau 
Nếu muốn giữ nguyên mọi thành phần của chữ, bạn có thể lồng ghép chúng vào nhau như những mắc xích. Đừng chỉ đơn giản chồng chữ cái này đè lên chữ cái kia – hãy cho chúng lồng ghép và kết nối với nhau tạo tính kết nối và độc đáo. Kỹ thuật này dễ dàng áp dụng với những chữ cái có nhiều đường cong. 

Chữ viết tay 
Nếu cảm thấy bế tắc — hãy lấy bút ra và vẽ lên logo độc đáo của riêng mình bằng kiểu chữ viết tay. Trường hợp không có kinh nghiệm thiết kế chữ viết tay, bạn có thể dựa trên những font chữ viết tay có sẵn và sáng tạo thêm. 

Chồng lấn và trong suốt 
Sau khi đặt lồng 2 chữ cái lên nhau, hãy thử làm mờ một trong hai chữ (đặc biệt chú ý ở phần giao nhau để hai chữ được rõ ràng hơn). Nếu dùng 2 màu khác nhau cho 2 chữ, vùng giao thoa giữa hai chữ sẽ tạo ra màu khác – điều này sẽ tạo ra hiệu ứng đẹp mắt cho thiết kế của bạn. 

Tạo điểm nhấn màu sắc 
Điểm độc đáo của phương pháp này là làm ẩn đi đường nét của 1 chữ cái bên trong chữ cái còn lại (ví dụ, chữ P thật ra là chữ D thêm một nét nhỏ ớ phía dưới). Yếu tố ẩn đi được làm nổi bật bằng màu sắc. Vấn đề duy nhất của kỹ thuật này là không áp dụng được nếu yêu cầu logo thiết kế có màu đơn sắc. Để giải quyết, thay vì dùng màu sắc, bạn hãy thử thêm khoảng cách hoặc các tố khác để “tách bạch” các chữ cái ra. 

Một vài lưu ý khi thiết kế logo chữ (lettermark) 

Ø Đôi khi các đường nối sẽ khiến cho logo chữ trông giống như một sản phẩm lỗi có font chữ kerning quá hẹp, chứ không phải một tác phẩm được cố ý sáng tạo. Để giải quyết vấn đề này, tùy trường hợp bạn có thể cân nhắc thêm chân cho chữ, tạo thêm các họa tiết, hoặc sử dụng màu để giúp phân biệt giữa 2 chữ cái. 
Ø Cũng cần đặc biệt lưu ý tránh tạo ra một chữ cái “mới” ngoài mong muốn khi liên kết giữa 2 chữ cái khá giống nhau. Nếu vô tình tạo ra tình huống này, hãy tìm cách tách 2 chữ cái ra rõ ràng để người đọc không hiểu lầm. 
Ø Font chữ cũng rất quan trọng. Nếu không tìm ra ý tưởng nào với loại font đang sử dụng, hãy thử đổi font. Hãy xem xét đường nối của chữ trong nhiều font khác nhau để có thể hiểu rõ hơn về cách mà các chữ liên kết với nhau. Nếu bạn quyết định không thay font chữ, thì hãy thử đổi thật nhiều phương án kết nối khác. 
Ø Nên sử dụng phối hợp nhiều kỹ thuật để tạo ra những tác phẩm mới lạ và độc đáo hơn. Tuy nhiên phải tiết chế phù hợp, tránh “trang trí” logo chữ với nhiều yếu tố rườm rà nhưng vô ích. Font chữ càng nhiều chi tiết thì càng khó đọc. 
Ø Cần nhớ rằng, phần chữ trong logo chữ là rất quan trọng. Bạn có thể thay đổi và di chuyển các chữ cái tùy thích nhưng cần giữ nguyên đặc tính “chữ”, vì nếu chúng trở thành biểu tượng hoặc hình ảnh thì logo sẽ không còn là logo chữ nữa. Ví dụ, logo Toyota về mặt kỹ thuật đều chứa tất cả chữ cái trong từ “Toyota”, nhưng không ai gọi đây là logo chữ. 

(Nguồn: companyfolders.com)