Từ quân đội nước Anh…
Bạn có biết rằng quân đội đã có những tác động lịch sử đến sự phát triển của giày nam? Hai kiểu bốt nổi tiếng là Wellington và Blucher đều được đặt theo tên của người phát minh, vốn là Thống tướng Anh quốc và nước Phổ.
Bốt Wellington ra đời vì những người thợ giày ở London của tướng Wellington được ông đặt hàng một thiết kế da bê mềm, ôm sát, cứng cáp và đủ bền cho những trận chiến nhưng vẫn thanh lịch khi diện tới các buổi tiệc.
Công tước Wellington với kiểu bốt cao được các thợ giày
nổi tiếng ở London thiết kế và đóng riêng.
Công tước Wellington với kiểu bốt cao được các thợ giày nổi tiếng ở London thiết kế và đóng riêng.
Blucher, kiểu bốt thấp ngang mắt cá chân có dây cột trước lưỡi giày, cũng trở nên phổ biến sau khi được tướng Blucher chỉ định sử dụng cho các binh sĩ của mình. Sự ra đời của lỗ xỏ dây bằng kim loại vào những năm 1820 khiến kiểu giày Blucher càng trở nên thu hút.
Sau đó, kiểu giày Oxford (nổi tiếng với những biến thể như Cap-toe, Wing-tip, Brogue và Balmoral) ra đời và được yêu thích đến tận ngày nay.
Người Anh từng thống lĩnh thị trường giày nam cao cấp của cả thế giới giữa hai cuộc Thế chiến, tạo nên quan niệm rằng chỉ giày nam kiểu Anh mới đủ sành điệu. Thời tiết lạnh lẽo và ướt át đặc trưng của xứ sương mù đòi hỏi phương pháp đóng giày cứng cáp, phần thân da được khâu vào phần đế đã được viền, tạo nên những đôi giày có vẻ ngoài vững chắc, hoàn hảo khi diện cùng Âu phục có phần vai và thân rộng thời bấy giờ. Những chất liệu cao cấp cùng tay nghề thủ công tinh tế khiến giá giày đội lên cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, câu nói “Tiền nào của nấy” quả là không sai, nhất là đối với giày nam.
…Đến nghệ nhân nước Ý
Sự lên ngôi của Âu phục ôm sau những năm 1980 khiến xu hướng giày nam có những biến chuyển ngoạn mục. Các thiết kế giày trở nên gọn và ôm hơn, mũi nhỏ và đế mỏng hơn.
Người Ý vốn yêu ánh nắng Địa Trung Hải, lối sống phóng khoáng cùng những trang phục nhẹ nhàng, tinh tế đã đưa những mẫu giày nam thanh thoát lên ngôi.
Sau Thế chiến II, những người đàn ông cũng bắt đầu chán giày có kiểu may viền mép và chuyển sang yêu thích những đôi có thân bằng da bê cao cấp, được dán trực tiếp vào đế.
Được hoàn thiện bởi tay nghề thủ công siêu hạng, những mẫu giày Ý kiểu dáng slipper và bốt đi tiệc đế mỏng trở nên đặc biệt thích hợp với kiểu Âu phục tân kỳ, kết hợp cùng quần Tây gọn gàng và thanh lịch.
Người Ý cũng làm mới những loại giày dép đời thường, điển hình là kiểu penny loafer kinh điển của Mỹ. Mẫu giày lười này có nguồn gốc từ loại moccasin được các ngư dân Na Uy ưa chuộng và sau đó khi được du khách Mỹ phát hiện vào giữa những năm 30.
Cũng như jeans và măng-tô, giày lười loafer trở thành một biểu tượng thời trang, bất biến với thời gian và thích hợp cho cả nam lẫn nữ. Gucci chính là nhà mốt thành công nhất khi làm mới loafer bằng cách nâng cấp chất liệu da, làm mỏng đế, kéo dài mũi giày và thay phần khe tiền xu bằng khóa kim loại hình bàn đạp ngựa. Loafer từ đó trở thành biểu tượng sang trọng của các tay chơi và giới thượng lưu quen đi lại bằng máy bay.
Ngày nay, loafer vẫn là lựa chọn hoàn hảo nhất để bạn sử dụng vào ngày cuối tuần hay khi đi du lịch. Bạn đừng ngại nếu đôi loafer mình yêu thích có giá hơi cao, vì không có gì phá hỏng phong cách thời trang hoàn hảo nhanh hơn một đôi giày không tương xứng!
Câu chuyện của giày da lộn
Năm 1924 hoàng tử xứ Wales đã gây ra một scandal nho nhỏ khi diện giày da lộn đến sân golf Meadow Brook cùng với bộ Âu phục vải flannel. Từ những năm 1930 cho tới ngày nay, giày da lộn đã trở thành chuẩn mực của một chàng trai lịch lãm.
Một đôi giày da lộn tốt có đế và lớp lót bên trong bằng da; các phần được may nối lại chứ không dùng keo hay bột hàn, vốn làm cho giày trông nhếch nhác và mau rã.
Bản thân da lộn tự nhiên có màu không lên hết tông, vì vậy đừng chọn màu pastel. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên màu chocolate, màu rượu cognac, hoặc đen cho mùa Đông, màu nâu nhạt cho mùa Hè. Nhiều kiểu giày hợp với chất liệu da lộn, từ cap-toe cột dây đến monk-strap (khóa cài), tất cả đều có thể kết hợp cùng các bộ Âu phục hoặc phối ngẫu hứng cùng jeans, quần kaki hay nhung.
Chất liệu da lộn có thể bền hơn bạn nghĩ, và để giữ trong điều kiện tối ưu, thỉnh thoảng bạn nên dùng sản phẩm xịt bảo vệ da. Khi không dùng đến, hãy cho vào giày các thanh nhét giày có tác dụng thấm mồ hôi và giữ dáng. Dùng bàn chải lông mềm chải nhẹ lên giày để làm sạch sau khi mang. Đây là một quy trình cần áp dụng thường xuyên. Trong trường hợp giày dơ nhẹ, có thể dùng tẩy mềm để làm sạch.
Giày loafer làm bằng da lộn
Nỗi ám ảnh lớn nhất là khi gặp phải một cơn mưa lớn và không may giày ướt sũng nước. Để “chữa cháy”, bạn có thể nhồi thật nhiều khăn giấy vào trong giày và để khô ráo thoáng khí trong 24 giờ đồng hồ, sau đó chải nhẹ mặt da, da sẽ trở lại như bình thường. Một cách khác để phục hồi da là hấp nhẹ trên nước sôi, có thể thực hiện tại nhà hoặc dịch vụ hấp.
3 đôi giày quan trọng nhất cho bạn
1. Giày Oxford chất liệu da màu đen: Có phần mũi giày nổi bật, cổ điển nhất trên chất liệu da bê đen hoặc da nâu, giày Oxford sẽ kết hợp hoàn hảo cùng với Âu phục vải len hoặc flannel, thích hợp cho những dịp trang trọng và quan trọng nhất. Tuy nhiên, đây không phải kiểu giày bạn nên sử dụng trong những kỳ nghỉ hay ngày cuối tuần thư giãn.
2. Giày lười chất liệu da màu nâu: Không quá cầu kỳ, cũng chẳng suồng sã, loafer là một “anh bạn thân” đáng mến, vừa tinh tế mà vẫn thoải mái. Bạn có thể chọn kiểu giày với mũi cao và đế chắc làm bằng chất liệu da thuộc hay da mỏng. Loafer thích hợp với Âu phục, hoặc quần dài phối cùng blazer, áo khoác thể thao.
3. Giày Sneaker cổ điển hoặc thiết kế cao cấp: Hiện nay, có không ít chàng trai diện giày sneaker khi đi làm vì đây là một xu hướng khá nổi trội của Xuân-Hè năm nay. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể trở nên quá dễ dãi đối với việc chọn giày.
Giày Nike hay Adidas thường phù hợp với những người trẻ tuổi hơn và bạn cần giữ chúng thật sạch sẽ khi kết hợp cùng trang phục công sở. Để không rơi vào trường hợp bị động khi bất ngờ phải tiếp một khách hàng quan trọng, bạn nên để sẵn một đôi giày Tây màu đen cổ điển tại văn phòng.
Thị trường giày sneaker trước đây vốn gắn liền với những tên tuổi như Nike và Adidas, nhưng nay còn có thêm New Balance cùng những thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp, điển hình là Givenchy, Balmain và Pierre Hardy.
Các kiểu giày kinh điển
Giày lười (Loafer)
Kiểu giày mang đậm chất Mỹ, dành cho những chàng trai không thích mất thời gian cột dây giày. Loafer phù hợp cho phong cách công sở và dùng trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Giày Buck cổ điển
Được cải tiến liên tục và thường làm bằng da lộn, giày Buck hợp với quần jeans và kaki, tạo cho bạn vẻ ngoài chỉn chu và lịch sự hơn so với sneaker.
Sneaker cổ điển
Kiểu giày thể thao đế cao su thường được làm bằng chất liệu vải bố. Bạn hãy lưu ý kỹ để tránh nhầm sneakers với các kiểu giày thể thao hay giày chạy
Giày Brogue
Đây là một kiểu biến tấu của Wing-tip với mũi giày cao, hai bên thân giày cong đẹp mắt được khâu nối và đục lỗ trên chất liệu da bê hoặc da mềm.
Giày Boat shoes
Giày bằng vải canvas hoặc da, đế giày bằng nhựa, có nhiều rãnh để có thể bám chặt và tránh trơn trượt. Đây là kiểu giày không cần mang vớ.
Giày bốt Desert
Cổ giày cao ngang mắt cá chân, thường được làm bằng da bê hoặc da lộn, chỉ có 2 hoặc 3 lỗ để xỏ dây. Vì loại giày này có phong cách cao bồi và bụi bặm, bạn không nên diện chúng đến những sự kiện quan trọng.